Bật mí cách chọn thuốc nhỏ mắt phù hợp cho mắt
Thuốc nhỏ mắt là một trong những dược phẩm được nhiều người sử dụng để chữa trị các tình trạng mắt thường gặp như khô mắt, đỏ mắt, nhiễm trùng, dị ứng, ngứa, sưng…
Với ưu điểm dễ dùng, tiện lợi, hiệu quả nhanh nên nhu cầu sử dụng thuốc nhỏ mắt ngày càng cao. Nhưng ít có ai thật sự biết cách chọn thuốc nhỏ mắt phù hợp với tình trạng mắt của mình? Để Mắt Việt mách bạn những cách sau đây nhé!
Thuốc nhỏ mắt cho mắt khô
Với những trường hợp khô mắt nhẹ tạm thời như mỏi mắt do dùng máy tính, ở ngoài trời trong điều kiện có gió và có nắng, và mệt mỏi, có thể làm ẩm và dịu mắt ngay bằng cách tra nước nhỏ mắt nhân tạo.
Tốt hơn hết nên sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt nhân tạo không có chất bảo quản vì chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt khi sử dụng kéo dài.
Tránh sử dụng thuốc nhỏ mắt thông mũi, loại thuốc này làm cho mắt của bạn trông bớt đỏ hơn, nhưng nó cũng có thể làm cho các triệu chứng khô mắt nặng hơn trong thời gian dài.
Thuốc nhỏ mắt dùng cho tình trạng đỏ mắt
Nếu mắt của bạn đỏ do mệt mỏi, khô, thiếu ngủ hoặc kích ứng toàn thân, một loại thuốc nhỏ mắt bôi trơn OCT có thể giúp bạn làm giảm tình trạng này một cách an toàn.
Nếu mắt của bạn đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ mắt bôi trơn cũng có thể giúp đáng kể bằng cách rửa trôi các dị ứng nguyên chẳng hạn phấn hoa ra khỏi mắt.
Thuốc nhỏ mắt dành cho mắt ngứa và mắt dị ứng
Thuốc nhỏ mắt kháng histamin được bào chế riêng biệt để điều trị ngứa do dị ứng, làm giảm histamin trong các mô mắt.
Loại thuốc này có tác dụng ức chế histamin tạm thời, tình trạng ngứa, khô, chảy nước mắt được đẩy lùi nhanh chóng.
Nếu tình trạng ngứa nặng và không cải thiện sau khi dùng thuốc thì bạn nên gặp chuyên gia chăm sóc mắt để được kê thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống.
Thuốc nhỏ mắt dành cho mắt đau nhức, sưng hoặc tiết dịch
Thuốc nhỏ mắt bôi trơn có thể giúp giảm kích ứng mắt do những căng thẳng về thị giác như khóc, tiết dịch mắt liên quan đến dị ứng và sưng do viêm và dị ứng.
Tuy nhiên, đối với “chảy mủ” hoặc tiết dịch mắt đặc, vàng nhạt do nhiễm trùng mắt gây ra, có thể phải cần thuốc nhỏ mắt kháng sinh kê đơn.
Thuốc nhỏ mắt cho kính áp tròng
Thuốc nhỏ mắt giữ ẩm được điều chế riêng cho kính áp tròng và có thể làm bạn bớt khô mắt và khó chịu liên quan đến việc đeo kính áp tròng.
Nếu bạn chọn dùng thuốc nhỏ mắt bôi trơn tiêu chuẩn khi đeo kính áp tròng, hãy hỏi chuyên gia chăm sóc mắt xem loại kính áp tròng của bạn có tương thích với loại thuốc nhỏ mắt bạn đang cân nhắc mua không.
Thuốc nhỏ mắt dành cho bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất. Có thể cần các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau cho những loại viêm kết mạc khác nhau, do vậy, bạn nên gặp bác sỹ khám mắt để xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
Đôi mắt là bộ phận nhạy cảm nhất, luôn cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Vì vậy bạn cần ghi nhớ một số lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt sau đây để không gây hại cho mắt:
1. Chỉ định sử dụng từ chuyên gia
Bất kỳ một loại thuốc nào sử dụng cho mắt đều cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ. Dùng thuốc không đúng cách có thể gây biến chứng nguy hại cho mắt.
2. Không lạm dụng thuốc
Đa phần các loại thuốc nhỏ mắt hiện nay đều chứa dược tính, vì vậy không được lạm dụng thuốc thường xuyên. Nếu sử dụng thuốc vượt quá liều lượng cho phép có thể gây phản ứng ngược.
3. Nhỏ thuốc đúng cách
Rửa sạch tay trước khi sử dụng. Khi nhỏ thuốc bạn cần phải để sản phẩm các lông mi từ 3 – 4 mm. Tuyệt đối không để đầu ống thuốc nhỏ mắt sát mi mắt để tránh tình trạng viêm nhiễm.
4. Chú ý thời gian sử dụng thuốc
Sau khi mở nắp, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, bạn chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt trong vòng 15 ngày. Thuốc nhỏ mắt hết hạn cần được loại bỏ ngay, không tiếp tục sử dụng.
5. Bảo quản thuốc nhỏ mắt cẩn thận
Sau khi sử dụng thuốc, bạn phải vặn chặt nắp lại, bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Để xa tầm tay với của trẻ nhỏ.
Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, phản ứng phụ khi sửa dụng thuốc, bạn cần ngưng dùng và đến bệnh viện khám mắt để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn đổi loại thuốc khác, đề phòng biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực.